Đầu tư chứng khoán giờ không còn là câu chuyện xa xôi, ngoài tầm với mà hoàn toàn nằm trong khả năng của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư F0 trẻ tuổi.

Tự do tài chính trở thành mục tiêu của nhiều bạn trẻ.
Chuyện của cô sinh viên Mai Lan
Mai Lan (20 tuổi) – sinh viên năm 2 hiện đang theo học chuyên ngành Quản trị Truyền thông Marketing tại trường đại học Kinh Tế Quốc Dân và là cộng tác viên truyền thông cho một công ty thời trang tại Hà Nội, đây cũng là công việc bán thời gian đầu tiên của cô.
Mai Lan chia sẻ trước khi đi làm, cô luôn ở trong trạng thái “tiền tháng nào tiêu hết sạch tháng đó”, khoản phụ cấp từ gia đình cùng học bổng mỗi kì được dồn vào chi trả học phí, tiền nhà, phí sinh hoạt cùng những lần gặp mặt bạn bè, dù đã cố cân đo đong đếm trước sau, nhưng gần như tháng nào cô cũng ở trong tình trạng thiếu hụt, còn chưa kể tới các chi phí phát sinh dành cho sức khỏe hay mỗi khi xe cộ “đình công”.
Tình hình tài chính “thiếu trước hụt sau” là một trong những động lực thúc đẩy Mai Lan tìm việc sớm. Sau khoảng 4 tháng đi làm cùng kế hoạch chi tiêu thắt chặt, Lan đã dành ra được khoảng 5 triệu đồng.
Kế hoạch của cô là gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư chứng khoán. Vốn là người theo chủ nghĩa an toàn, cô dự định sẽ chọn phương án gửi tiết kiệm ngân hàng, tuy nhiên, sau buổi tư vấn với một chị “tiền bối” hiện đang công tác tại một trong những công ty chứng khoán có tiếng tại Hà Nội, được chỉ ra các ưu, nhược điểm của chứng khoán so với những hình thức đầu tư, tiết kiệm khác, Mai Lan đã quyết định chuyển hướng sang chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ngày một thấp, còn các hình thức đầu tư khác đòi hỏi số vốn không nhỏ.
Trước đó với Mai Lan, chứng khoán là kênh đầu tư tưởng chừng rất xa xôi, chỉ những người có số vốn cực lớn và nhiều năm lăn lộn, chinh chiến, được trang bị kiến thức ‘đầy mình’ mới có hy vọng kiếm được lãi.
Tuy nhiên, kể từ khi thấy “người người chơi chứng, nhà nhà chơi chứng”, từ đồng nghiệp cho tới bạn bè cùng lớp thi thoảng chào nhau bằng câu hỏi: “Hôm nay cậu vào mã chứng khoán nào chưa?”, khi những lời nhận xét, câu bông đùa về diễn biến thị trường mà tới em sinh viên năm nhất còn chia sẻ lại trên trang cá nhân, hay ra quán café thấy nhấp nháy màn hình xanh đỏ trên máy tính, điện thoại của một số người thì cô bạn hiểu rằng, chứng khoán giờ rất gần gũi với cuộc sống.
“Chỉ với số vốn khoảng 5 triệu, mình đã sở hữu một số cổ phiếu của một doanh nghiệp trong mảng ngân hàng, có thể tự kiểm soát được thu nhập của bản thân mà không ảnh hưởng đến các công việc còn lại. Thời gian sau đó, khi cổ phiếu trong danh mục tăng giá, mình bán ra và tiếp tục xoay vòng vốn bằng cách chọn mua những cổ phiếu tiềm năng khác. Mình không nóng vội, cứ đi từng bước nhỏ thì thấy chứng khoán là một kênh đầu tư phù hợp với những sinh viên có vốn khiêm tốn”, Mai Lan chia sẻ.
Mai Lan càng có thêm động lực khi bạn thân của cô đã có sự đầu tư nghiêm túc với chứng khoán từ 2 năm nay.
“Mình được truyền cảm hứng từ một người bạn thân với định hướng đầu tư chứng khoán lâu dài và có sự tìm hiểu, nghiên cứu cẩn thận. Cũng chính người bạn đó đã động viên và giúp mình có được những kiến thức cơ bản về chứng khoán. Từ đó, mình chủ động tìm hiểu thêm và thường xuyên theo dõi các sự kiện, chính sách kinh tế trong và ngoài nước, kết hợp với thông tin từ nhiều nguồn để đưa ra phán đoán cá nhân. Thắng không kiêu, bại không nản. Nếu có lãi, mình rất vui còn nếu không lãi, mình sẽ kiên nhẫn phân tích và có chiến thuật để hạn chế lỗ tới mức tối đa trong phạm vi cho phép. Không chỉ là một nguồn thu nhập nho nhỏ bên cạnh công việc chính, đầu tư chứng khoán còn mang tới cho mình nhiều giá trị hơn thế. Mình cảm thấy bộ môn này rất thú vị và bản thân có phần độc lập, trưởng thành hơn”.
Không chỉ Mai Lan mà rất nhiều bạn trẻ thuộc lứa Gen Z và Gen Y đang dần coi chứng khoán là “món ăn” hàng ngày. “Có những ngày thức dậy uể oải nhưng nghĩ tới việc xem danh mục hôm nay sẽ thế nào, xanh hay đỏ, là mình có thêm động lực bắt đầu ngày mới”, Mai Lan hào hứng chia sẻ.