Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

[Giới thiệu về Biểu đồ Hình nến] Phần 4: Biểu đồ Renko

Share

Trong bài viết thứ tư của loạt bài về biểu đồ nến, chúng ta sẽ xem xét Biểu đồ Renko (TNDT sẽ giới thiệu loạt bài viết này theo trình tự ngược một chút, từ bài 4 ngược về bài 1.)

Xem các bài viết khác trong loạt bài về biểu đồ hình nến (phần 1, phần 2phần 3).

Biểu đồ Renko trừu tượng về thời gian và được vẽ hoàn toàn dựa trên biến động giá. Được đặt tên theo từ tiếng Nhật có nghĩa là gạch (renga), biểu đồ Renko tương tự như biểu đồ Point and Figure (Điểm và Hình) được sử dụng rộng rãi ở phương Tây.

1. Biểu đồ Renko là gì?

Biểu đồ Renko được tạo thành từ các nến trông giống như những viên gạch.

Khi giá di chuyển một quãng cố định (thường là Average True Range – Vùng Biên độ Trung bình), một viên gạch mới sẽ hình thành và được thêm vào biểu đồ ở một góc 45 độ. Độ nhiễu được lọc ra và các biểu đồ này hiển thị rõ ràng xu hướng về giá của tài sản.

Mặc dù biểu đồ nến tiêu chuẩn và biểu đồ Renko đều sơn nến xanh/đỏ và hiển thị râu nến, có một số khác biệt quan trọng:

  • Mặc dù cả hai biểu đồ đều có thể được vẽ theo trục thời gian, nhưng Renko có được hình thành hay không chỉ phụ thuộc vào hành động giá. Vì vậy, khoảng cách giữa các Renko không liên quan đến thời gian. Một nến Renko có thể mất một giờ, một ngày hoặc thậm chí một tháng để hình thành, tùy thuộc vào cách biểu đồ được cấu hình.
  • Biểu đồ Renko vẽ các nến (hoặc thích hợp hơn là các viên gạch) có cùng kích thước, với phương pháp phổ biến nhất được sử dụng để chuẩn hóa kích thước của Renko là Vùng Biên độ Trung bình (ATR). Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng bất kỳ con số nào bạn muốn và tìm ra con số tối ưu thông qua kiểm tra lại.

Để có ý tưởng về cách thức hoạt động của Renko, giả sử bạn đang giao dịch biểu đồ D1 và có một xu hướng tăng giá bitcoin (BTC).

Một nến Renko xanh sẽ không được hình thành trừ khi giá duy trì trên $10.000 cho đến khi kết thúc phiên giao dịch, tức là cuối ngày.

Tương tự, Renko đỏ chỉ được hình thành nếu giá duy trì dưới $8.500 cho đến cuối ngày.

2. Cách sử dụng Biểu đồ Renko

Biểu đồ Renko rất dễ sử dụng với hai chiến lược chính.

  1. Sau một loạt nến Renko đồng màu (ví dụ: đỏ), sự thay đổi màu của Renko (ví dụ: sang xanh) làm nổi bật sự thay đổi xu hướng tiềm năng. Bạn có thể mua khi xuất hiện Renko xanh đầu tiên sau một loạt Renko đỏ (hoặc bán tại Renko đỏ đầu tiên sau một loạt xanh).
  2. Các chiến lược khác liên quan đến trading setup phá ngưỡng (breakout). Renko cung cấp các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, và thường hiển thị đáy/đỉnh kép. Nếu chúng bị phá vỡ, chúng ta có thể mong đợi một biến động mạnh theo hướng đó.

2.1. Đảo chiều Xu hướng – Biểu đồ Renko

Ưu điểm lớn nhất của Biểu đồ Renko là hành động giá được đơn giản hóa để nắm bắt xu hướng và đảo chiều.

Biểu đồ Renko cho khung thời gian D1 của BTC/USD được hiển thị bên dưới. Điều quan trọng cần lưu ý là khi Vùng Biên độ Trung bình thay đổi theo thời gian, hành động giá lịch sử cũng sẽ thay đổi.

Như với biểu đồ nến Nhật Bản, nến xanh cho thấy giá tăng trong khi nến đỏ cho thấy giá giảm. Tín hiệu chính được sử dụng cho Biểu đồ Renko là khi một nến có màu đối lập với xu hướng hiện tại được hình thành.

Giao dịch đảo chiều bằng cách sử dụng Biểu đồ Renko. Vào một vị thế theo chiều của xu hướng mới khi màu sắc (xu hướng) thay đổi. Ví dụ, một tín hiệu đi dài vào đầu tháng 2 đã được đưa ra khi một loạt Renko xanh hình thành sau một loạt Renko đỏ. Chỉ thoát vị thế mua khi một Renko đỏ hình thành.

Ví dụ, trong tháng Hai sau một loạt các Renko màu đỏ, một Renko xanh hình thành. Vào lúc đóng cửa của Renko đó (ở mức $7.583,84), chúng ta nên vào một vị thế mua. Chúng ta sẽ giữ vững vị thế đó, chừng nào các Renko màu xanh lá cây vẫn còn hình thành trên biểu đồ.

Tín hiệu để thoát khỏi một vị thế mua là khi Renko đỏ đầu tiên xuất hiện. Renko đỏ đầu tiên được vẽ trên biểu đồ vào cuối tháng 2 với giá đóng cửa là $10.341,60 – tạo ra lợi nhuận khoảng $2.800 cho mỗi BTC được giao dịch.

Tương tự, chúng ta cũng có thể bán khống khi một Renko đỏ được hình thành sau một loạt các Renko xanh. Khi giá đảo chiều vào cuối tháng 2, Renko màu đỏ đầu tiên sẽ đề xuất bán khống ở mức $10.341,60. Giá đóng cửa của cây nến xanh tiếp theo là $10.341,60 và chúng ta sẽ hòa vốn (không bao gồm bất kỳ phí giao dịch nào).

Vào đầu tháng Ba, một tín hiệu khác để bán được gợi ý bởi Biểu đồ Renko, với entry ở mức $10.686,32. Thị trường tiếp tục đi xuống cho đến khi hiển thị một cây nến xanh với giá đóng cửa là $8.618, làm cho tín hiệu này rất có lợi với khoảng $2.060 lợi nhuận trên mỗi BTC được giao dịch.

Biểu đồ trên cho thấy nhiều ví dụ hơn về chiến lược đảo chiều, sử dụng Renko để vào vị thế mua hoặc bán.

2.2. Xác nhận mạnh mẽ hơn với Biểu đồ Renko

Điều quan trọng cần lưu ý là Biểu đồ Renko đôi khi cho tín hiệu giả.

Kiểm tra lại các cấu hình khác nhau và điều chỉnh kích thước của các thanh nến để tối ưu hóa hiệu suất giao dịch của bạn với Biểu đồ Renko.

Một mẹo khác để có các tín hiệu đáng tin cậy hơn là tăng trọng số cho các lần đảo chiều xảy ra ở các mức hỗ trợ – kháng cự quan trọng, ở mức đỉnh – đáy khung ngày hoặc khung tuần, hoặc các khu vực có khối lượng giao dịch cao.

Ngoài ra, bạn có thể đợi hai Renko được hình thành theo hướng ngược lại của xu hướng phổ biến trước khi chốt hoặc vào một vị thế.

Giao dịch đảo chiều trên Biểu đồ Renko,
đợi hai Renko theo hướng ngược lại để tránh breakout giả.

Chẳng hạn, biểu đồ trên cho thấy một số ví dụ về fakeout (breakout giả) xảy ra trong một xu hướng tăng mạnh, trong đó một Renko đỏ duy nhất đã xuất hiện nhưng xu hướng tăng vẫn tiếp tục.

Vào ngày 29 tháng 8, biểu đồ vẽ Renko xanh đầu tiên sau một loạt gạch đỏ, điều này sẽ cho tín hiệu để vào một vị thế mua quanh mức $9.508,98.

Nhưng sau ba lần Renko xanh, gạch đỏ đầu tiên hình thành – một tín hiệu để bán.

Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn tiếp tục và theo sau Renko đỏ là một Renko xanh. Tương tự, vào ngày 3 tháng 9, một Renko đỏ duy nhất khác xuất hiện, nhưng xu hướng tăng vẫn tiếp tục.

Để tránh những cú fakeout này, chúng ta có thể thoát khỏi vị thế mua khi quan sát thấy hai Renko đỏ liên tiếp (thay vì chỉ một).

Lưu ý rằng vào ngày 4 tháng 9, hai Renko đỏ đã hình thành, xác nhận mạnh mẽ hơn về sự đảo chiều và cung cấp tín hiệu rõ ràng để thoát khỏi vị thế mua ở mức $10.533,90. Nếu bạn đã lấy tín hiệu Renko đỏ đầu tiên để bán, bạn có thể đã bỏ lỡ hầu hết các động thái đi lên. Giao dịch sẽ được đóng lại ở mức giá thấp hơn khoảng $1.000.

Ví dụ trên minh họa lý do tại sao bạn có thể muốn đợi xác nhận thêm khi một Renko được hình thành theo hướng ngược lại với xu hướng chính. Một cách để có được xác nhận là không đợi một, mà là hai Renko theo hướng ngược lại.

2.3. Các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ – Biểu đồ Renko

Biểu đồ Renko cũng xác định rõ các mức hỗ trợ và kháng cự.

Biểu đồ ETH/USD bên dưới cho thấy một ví dụ về cách bạn có thể sử dụng Renko để vẽ hỗ trợ và kháng cự.

Các mức hỗ trợ và kháng cự trên Biểu đồ Renko.
Tìm các đỉnh hoặc đáy thẳng hàng với các đỉnh và đáy khác.

Giá đạt đỉnh tại $276,00 và thị trường tiếp tục vượt qua ngưỡng kháng cự này nhưng không thể tồn tại lâu trên mức này. Sau đó, giá đã bật xuống từ ngưỡng kháng cự này trước khi vượt qua ngưỡng kháng cự. Sau khi giá vượt qua ngưỡng kháng cự, mức giá $276,00 đã chuyển thành hỗ trợ.

Chúng ta thấy rằng giá đã tôn trọng ngưỡng kháng cự đã chuyển sang thành hỗ trợ vào đầu tháng 7, khi ETH/USD tăng từ $276,00 để cuối cùng đạt mức cao trên $300. Tuy nhiên, ngưỡng hỗ trợ đã bị phá vỡ vào đầu tháng 7 và quay trở lại thành kháng cự, với việc giá test mức này ngay sau đó, tạo cơ hội tốt để bán ETH/USD.

2.4. Breakout – Biểu đồ Renko

Chúng ta cũng có thể giao dịch theo sự phá ngưỡng (breakout) của Renko, giống như chúng ta làm với biểu đồ hình nến.

Biểu đồ 4 giờ của ETH/USD được hiển thị bên dưới minh họa chiến lược breakout có thể được sử dụng với Biểu đồ Renko. Đối với chiến lược breakout, chúng ta tìm kiếm hai Renko cùng màu có cùng giá đóng cửa. Khi một viên gạch khác được thêm vào, chúng ta có một điểm đột phá như được đánh dấu bên dưới.

Chúng ta thấy rằng một Renko xanh đóng cửa ở mức $295,32 nhưng sau đó xu hướng đã đảo ngược và in ra một cây nến đỏ. Giá sau đó tiếp tục cao hơn với một Renko xanh khác đóng cửa ở mức $295,32.

Pha breakout của một đỉnh kép

Chúng ta cũng có thể coi đây là một Đỉnh Kép. Trên thực tế, nhiều mẫu biểu đồ được tìm thấy với biểu đồ hình nến tiêu chuẩn được hiển thị bằng Biểu đồ Renko, chẳng hạn như mô hình Vai-Đầu-Vai, Đáy Kép và Đỉnh Kép.

Khi một Renko xanh khác hình thành dựa trên cây nến thứ hai đóng cửa ở mức $295,32, chúng ta có một pha breakout và hẳn sẽ muốn vào một vị thế theo chiều của xu hướng.

Do đó, chúng ta sẽ vào lệnh tại $298,08, mức đóng cửa của Renko xanh thứ hai. Giao dịch dài sẽ có lợi nhuận, vì tín hiệu chốt xuất hiện với Renko đỏ đầu tiên, đóng cửa ở mức $309,12.

3. Ưu điểm – Biểu đồ Renko

Renko có thể được sử dụng trên bất kỳ khung thời gian nào, nhưng lưu ý rằng khung thời gian dài hơn sẽ đòi hỏi nhiều kiên nhẫn hơn. Ví dụ: trên khung thời gian D1, hãy đợi cho đến cuối ngày để tìm kiếm bất kỳ tín hiệu hoặc sự đảo chiều nào trong xu hướng của Biểu đồ Renko. Dù bạn sử dụng chiến lược nào, hãy đảm bảo rằng bạn tuân thủ các quy tắc giao dịch của mình và nhất quán.

Nếu bạn mới làm quen giao dịch, Biểu đồ Renko là một công cụ giới thiệu tốt vì chúng dễ diễn giải và chiếu sáng xu hướng cơ bản. Biểu đồ hình nến tiêu chuẩn thường có thể rối rắm để xem xét trong khi với Biểu đồ Renko, xu hướng và thời gian hợp nhất dễ phát hiện hơn.

Renko cũng có thể dạy cho bạn những đặc điểm đáng khát khao của một nhà giao dịch, cụ thể là tính kiên nhẫn. Khi bạn phải đợi nến đổi màu, sẽ có nhiều cơ hội giao dịch hơn nếu bạn nhìn vào biểu đồ h4 và h1 (hoặc thậm chí khung thời gian thấp hơn). Bởi vì các biểu đồ này không kết hợp yếu tố thời gian, một nhà giao dịch tuân theo một bộ quy tắc nghiêm ngặt với Biểu đồ Renko sẽ ít bị cám dỗ hơn trong việc đưa ra các quyết định bốc đồng.

Vì biểu đồ Renko đơn giản nên việc quản lý rủi ro trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Ví dụ: bạn có thể đặt cho mình một số quy tắc, tham gia giao dịch khi có sự chuyển đổi của các Renko và thoát ra khi các Renko chuyển đổi trở lại (hoặc đợi Renko thứ hai để xác nhận thêm). Hoặc bạn có thể sử dụng giá mở cửa của Renko gần nhất làm điểm cắt lỗ và di chuyển nó lên hoặc xuống khi thị trường di chuyển.

4. Hạn chế – Biểu đồ Renko

Mặc dù đây là điểm mạnh của Biểu đồ Renko, nhưng tính trừu tượng của thời gian cũng có thể là điểm yếu.

Nếu giá giao dịch đi ngang, sẽ không có Renko mới nào được hình thành cho đến khi có một sự bứt phá, điều này có thể là một nhược điểm đối với một số nhà giao dịch. Trong khi Renko làm giảm lượng nhiễu trên biểu đồ, điều đó cũng có nghĩa là việc xác nhận một sự bứt phá có thể mất nhiều thời gian hơn.

Mặt khác, vì các Renko mới chỉ được vẽ trên biểu đồ khi giá Bitcoin di chuyển một khoảng cách nhất định, bạn sẽ không thể nắm bắt tất cả các cơ hội giao dịch được cung cấp bởi Biểu đồ Renko vì bạn sẽ cần ăn, ngủ và làm việc.

Biểu đồ Renko trông dễ theo dõi, nhưng thị trường cần phải di chuyển gấp đôi khoảng cách để có được tín hiệu thoát khi so với một pha tiếp tục. Hãy xem xét hai tình huống sau:

  1. Trong trường hợp đầu tiên, bạn vào lệnh tại một Renko xanh. Nếu thị trường hình thành một Renko đỏ ngay sau đó, bạn sẽ thua lỗ. Như đã đề cập ở trên, bạn có thể muốn đợi hai Renko hình thành theo hướng ngược lại trước khi vào một vị thế.
  2. Trong trường hợp này, giả sử bạn tham gia thị trường ở một Renko xanh. Một Renko xanh khác theo sau, nhưng sau đó có một Renko đỏ (theo hướng ngược lại). Bạn sẽ không hành động ngược lại cho đến khi Renko đỏ hình thành (tại điểm hòa vốn). Bạn có thể đã bán ở Renko xanh thứ hai, nhưng Biểu đồ Renko cho bạn biết rằng một xu hướng tăng đã xuất hiện.

Vấn đề là bạn sẽ không bao giờ có thể nắm bắt được toàn bộ của bất kỳ động thái nào, mặc dù các biểu đồ rất đẹp về mặt thẩm mỹ.

Một vấn đề khác là xác định kích thước để sử dụng cho từng Renko. Mặc dù chúng tôi đã đề cập đến việc sử dụng Vùng Biên độ Trung bình, nhưng đây có thể không phải là cấu hình hiệu quả nhất tùy thuộc vào khung thời gian và công cụ bạn đang giao dịch. Giới giao dịch lướt sóng và giao dịch trong ngày có thể muốn giảm kích thước của Renko từ cài đặt mặc định. Hãy đảm bảo rằng bạn kiểm tra lại các cấu hình Renko khác nhau để xem kích thước nào là phù hợp nhất với công cụ bạn đang giao dịch và phong cách giao dịch của bạn.

Cuối cùng, các chỉ báo sẽ hoạt động khác đi khi được áp dụng cho Biểu đồ Renko so với biểu đồ nến tiêu chuẩn. Các chỉ báo như MACD trở nên vô dụng, mặc dù những chỉ báo khác như khối lượng và hồ sơ khối lượng có thể nâng cao phân tích của bạn về Biểu đồ Renko.

5. Tổng kết

Biểu đồ Renko là một công cụ mạnh mẽ cho các nhà giao dịch, có thể được sử dụng để xác định xu hướng và đảo chiều. Các mô hình biểu đồ và các mức hỗ trợ – kháng cự cũng rõ ràng hơn trên loại biểu đồ này, cung cấp cho các nhà giao dịch một cái nhìn rộng hơn và dài hạn về thị trường.

Kết hợp với biểu đồ nến truyền thốngbiểu đồ Heikin Ashi, xác suất giao dịch chiến thắng được cải thiện khi việc xem xét các quan điểm kỹ thuật tài chính của thị trường sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh hơn về thị trường.

Để đọc thêm về Biểu đồ Renko, hãy xem cuốn sách của Steve Nison với tựa đề Beyond Candlesticks: New Japanese Charting Techniques Revealed (Bên ngoài những Cây nến: Tiết lộ kỹ thuật lập biểu đồ mới của Nhật Bản).

Theo Medium

Xem thêm

Liên quan