Ngân hàng và doanh nghiệp, thắt chặt hay nới lỏng, hạ và tăng lãi suất, là những câu hỏi hóc búa được đặt ra cho ban lãnh đạo đất nước nhằm mục đích phục hồi nền kinh tế đang trong tình trạng khó khăn.
Từ ngày 10/11/2023, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thực hiện giảm lãi suất tiết kiệm từ 0.1 đến 0.2 điểm phần trăm. Hiện tại, lãi suất tiết kiệm tại quầy của kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 5.0%, và của kỳ hạn 9 tháng là 3.90%. Mức lãi suất này còn thấp hơn cả mức lãi suất được Vietcombank cung cấp trong thời kỳ Covid-19. Trước đó, Vietcombank đã niêm yết mức lãi suất 5.5% cho các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng. Tính đến thời điểm này, đây là mức lãi suất thấp nhất trong lịch sử kinh doanh của Ngân hàng này.
Nhỉnh hơn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề nghị khách hàng mức lãi suất 5.3%/năm cho các kỳ hạn từ 12-36 tháng, với các kỳ hạn 6-9 tháng mức lãi suất đề nghị là 4.3%/năm. Đây cũng là mức lãi suất mà hiện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) áp dụng tới khách hàng của mình.
Theo đà lãi suất tiền gửi giảm là sự sụt giảm của lãi suất tiền vay. Đến nay, lãi suất cho vay bằng Việt Nam Đồng bình quân đã giảm khoảng từ 1.7-2.2%/năm so với thời điểm cuối năm 2022. Căn cứ theo chính sách điều hành của NHNN là nới lỏng có kiểm soát chính sách tiền tệ, điều chỉnh lãi suất để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, thì dự kiến lãi suất tiết kiệm cũng như tiền vay sẽ còn tiếp tục giảm trong tương lai.
Việc nới lỏng lãi suất, về mặt lý thuyết, mang tới nhiều lợi ích, nhưng mặt trái lại ngầm gợi ý rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiện không quá cần vốn hay có thể hiểu các ngân hàng đang tồn kho về vốn? Dù là hiểu theo hướng nào thì kết quả không quá lạc quan.
Xét theo góc độ của doanh nghiệp, lời giải thích hợp lý là các doanh nghiệp hiện đang chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hệ quả của lạm phát cao, tỷ giá cao, và kiệt quệ sau thời kỳ Covid-19. TS Nguyễn Tú Anh công tác tại Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng doanh nghiệp muốn vay nhưng không khả thi do tổng cung chưa hồi phục, xuất khẩu giảm mạnh, và thị trường bất động sản gặp khó khăn.
Xét theo khía cạnh ngân hàng, nợ xấu đang ngày một tăng cao khiến cho việc lựa chọn đối tác vay vốn đảm bảo chất lượng tín dụng là rất khó khăn. Thực tế, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 7/2023 đã lên 3.56%, từ mức 2% của hồi đầu năm nay. Với con số này, dư nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã lên tới khoảng 440 nghìn tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 07/2023.
Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực Bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái, 2.58% tính đến tháng 7/2023 so với kết quả 1.8% của tháng 7/2022. Điều này cũng có thể dễ hiểu khi người dân Việt Nam vẫn có xu hướng lựa chọn hình thức đầu tư vào bất động sản nhiều hơn các hình thức khác, và tới 80% tài sản thế chấp ở ngân hàng là bất động sản. Nếu thị trường này tiếp tục trì trệ, sẽ gây ra sự tắc nghẽn tín dụng trong toàn hệ thống.
Mục tiêu hạ thấp lãi suất nhưng không hạ thấp quy chuẩn cho vay sẽ đẩy ngân hàng vào thế khó khi phải tìm kiếm những đối tác chất lượng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhưng hạ thấp lãi suất đồng thời hạ thấp điều kiện phê duyệt tín dụng sẽ đẩy ngân hàng vào rủi ro nợ xấu trong dài hạn, và đây cũng là điều mà không một ngân hàng nào mong muốn.
Tựu chung, việc doanh nghiệp không tiếp cận vốn và việc ngân hàng tồn đọng vốn thực chất là 2 mặt của một vấn đề, và Ngân hàng Nhà nước cũng đã có sự lựa chọn cho bài toán khó khăn này. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước phát biểu trong một hội nghị rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét giảm lãi suất điều hành khi có điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp, song song chỉ đạo ngân hàng rà soát các khoản vay cũ để hạ lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.