Hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai là hai công cụ đầu tư phổ biến trong thị trường phái sinh. Giữa chúng có những điểm giống và khác nhau, mang đến nhiều cơ hội sinh lời, cũng như phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Để hiểu rõ hơn về hợp đồng tương lai và hợp đồng kỳ hạn, xem ngay bài viết dưới đây!
1. Hợp đồng kỳ hạn – Forward Contract là gì?
Hợp đồng kỳ hạn (Forward Contract) là một loại hợp đồng tài chính mà hai bên thỏa thuận mua hoặc bán tài sản (như hàng hóa, tiền tệ, chứng khoán) vào một thời điểm trong tương lai với giá định sẵn ở hiện tại. Tài sản được dùng để giao dịch hợp đồng kỳ hạn là bất cứ loại hàng hóa nào, bao gồm cả nông sản, tiền tệ hay chứng khoán.
Hợp đồng kỳ hạn thường được sử dụng nhằm bảo vệ các bên tham gia khỏi biến động giá và rủi ro thị trường. Nhà đầu tư có thể thực hiện một vị thế bán hợp đồng kỳ hạn để tránh rủi ro giảm giá trong tương lai. Ngược lại có thể thực hiện một vị thế mua hợp đồng kỳ hạn để tránh rủi ro giá tăng trong tương lai.
Ví dụ minh họa về hợp đồng kỳ hạn: Vào ngày 01/06/2023, A ký một hợp đồng kỳ hạn mua hàng hóa với thông tin như sau:
- Khối lượng là 2 tấn gạo
- Thời gian giao dịch là sau 3 tháng (tức ngày 01/09/2023).
- Giá F0 là 450 USD/tấn.
Hợp đồng kỳ hạn được xác lập trạng thái vào thời điểm ký kết. Vào ngày 01/09/2023), cho dù giá gạo có biến động bao nhiêu thì A cũng phải mua 2 tấn gạo với giá 450 USD/tấn. Nếu giá tăng lên 470 USD/tấn, A sẽ lãi được 40 USD. Nhưng nếu giá giảm xuống 430 USD/tấn, A sẽ lỗ 40 USD.

2. Hợp đồng tương lai – Future Contract là gì?
Hợp đồng tương lai (Future Contract) là một loại hợp đồng chuẩn hóa mà hai bên đồng ý mua hoặc bán tài sản vào một thời điểm trong tương lai với giá cả đã được định trước tại thời điểm thỏa thuận. Tài sản dùng để giao dịch hợp đồng tương lai phải được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán và thanh toán bởi công ty thanh toán bù trừ.
Hợp đồng tương lai được mua bán trên sàn phái sinh và tính hàng ngày theo giá thị trường. Cả người mua và người bán khi tham gia giao dịch đều phải ký quỹ theo quy định của sàn.
Ví dụ minh họa về hợp đồng tương lai: Vào ngày 01/06/2023, A ký hợp đồng tương lai với thông tin như sau:
- Tài sản cơ sở là 3 Bitcoin, tổng giá trị là 120.000 USD.
- A cần ký quỹ một khoản tương đương với 10% giá trị hợp đồng, tương đương với 120.000 x 10% = 12.000 USD.
Khi hợp đồng đáo hạn, giá Bitcoin tăng lên 15%, nhà đầu tư sẽ có lời 120.000 x 15% = 18.000 USD. Tổng giá trị trong tài khoản của nhà đầu tư sẽ là 12.000 + 18.000 = 30.000 USD.
Ngược lại, nếu giá giảm 10% thì nhà đầu tư sẽ mất 120.000 x 10% = 12.000 USD. Số tiền ký quỹ ban đầu của nhà đầu tư cũng sẽ mất hết. Nhà đầu tư sẽ nhận được lệnh gọi ký quỹ Call Margin, yêu cầu bổ sung thêm ký quỹ hoặc đóng vị thế.

3. Phân biệt hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai
Dựa trên những định nghĩa trên, có thể thấy hợp đồng tương lai và hợp đồng kỳ hạn có nhiều điểm giống và khác nhau. Để có cái nhìn tổng quan hơn, bạn hãy xem ngay bảng so sánh hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai dưới đây nhé!
3.1 Điểm giống nhau
- Hợp đồng kỳ hạn hay hợp đồng tương lai đều là những công cụ đầu tư phổ biến trong thị trường phái sinh.
- Giá trị của cả hai đều phụ thuộc vào loại tài sản cơ sở (có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại hay phi hàng hóa như cổ phiếu, trái phiếu,…). Đồng thời được giao dịch dựa trên giá trị của các tài sản cơ sở đó.
- Cả hai đều được định trước giá cả và thời gian giao dịch tại thời điểm thỏa thuận hợp đồng. Điều này tạo điều kiện cho các bên tham gia biết trước giá trị và thời điểm giao dịch của hợp đồng.
- Cung cấp cơ hội sinh lời, cũng như quản lý rủi ro, bảo vệ giá cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể mua hợp đồng khi tin rằng giá tài sản sẽ tăng lên hoặc bán hợp đồng khi dự đoán giá sẽ giảm.

3.2 Điểm khác nhau
Tuy có nhiều điểm giống nhau, song hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai cũng có những khác biệt nhất định.
Tiêu chí |
Hợp đồng kỳ hạn |
Hợp đồng tương lai |
Khái niệm |
Là hợp đồng giữa bên mua và bên bán về việc giao dịch một loại tài sản cơ sở trong tương lai với thời điểm giao dịch và mức giá đã được xác định trước. |
Là một hợp đồng chuẩn hóa giữa các bên tham gia về việc mua bán một tài sản cơ sở trong tương lai với thời điểm giao dịch và mức giá đã được xác định trước. |
Tiêu chuẩn hợp đồng |
– Hợp đồng có tính linh hoạt, không cần chuẩn hóa về giá trị, khối lượng và điều khoản của tài sản cơ sở. – Có thể sử dụng bất kỳ loại tài sản nào để làm tài sản cơ sở. |
– Hợp đồng có tính chuẩn hóa, không linh hoạt, phải được niêm yết và tiêu chuẩn trên Sở giao dịch chứng khoán phái sinh. – Cần được chuẩn hóa về giá trị, khối lượng và điều khoản của tài sản cơ sở. |
Tính chất |
Là hợp đồng riêng biệt giữa bên mua và bên bán, hai bên biết rõ thông tin của nhau. |
Không cần xác định rõ đối tượng cụ thể khi giao dịch, cho phép nhà đầu tư ẩn danh. |
Giao dịch và niêm yết |
Giao dịch trên thị trường OTC, không niêm yết và qua sàn giao dịch tập trung. |
Niêm yết và thực hiện giao dịch trên thị trường tập trung. |
Kích thước hợp đồng |
Thường có kích thước tùy chỉnh. |
Thường có kích thước chuẩn được quy định bởi sàn giao dịch. |
Thời điểm thanh toán |
Thanh toán vào thời điểm giao hàng, tức là khi tài sản cơ sở được chuyển giao. |
Thanh toán lỗ/lãi hàng ngày dựa trên sự chênh lệch giữa giá thực tế của tài sản cơ sở và giá thỏa thuận trong hợp đồng. |
Tính thanh khoản |
Thanh khoản thấp hơn do tính linh hoạt cao. |
Thanh khoản cao hơn do có quy định kích thước chuẩn, có công ty thanh toán bù trừ và tạo điều kiện thuận lợi khi giao dịch qua Sở. |
Tính rủi ro |
– Có tính rủi ro cao hơn cho các bên tham gia vì tính thanh khoản thấp hơn. Nhà đầu tư có thể gặp khó khăn trong trường hợp cần xoay vốn. – Người mua có thể không thanh toán do giá mua cao hơn so với giá thị trường. – Người bán có thể không giao hàng do giá bán thấp hơn giá thị trường. |
– Rủi ro thanh toán được giảm đi nhờ có tính thanh khoản cao. Các bên tham gia có nghĩa vụ thực hiện các quy định tại ngày đáo hạn. – Mức đòn bẩy cao có thể làm tăng rủi ro nếu thị trường biến động ngược chiều dự đoán. – Các khoản lỗ phải thanh toán hàng ngày nên buộc phải ký quỹ để phòng rủi ro thanh toán. |
Đóng vị thế |
Cần thực hiện đóng vị thế bằng cách tham gia vị thế ngược với hợp đồng kỳ hạn tương đương. |
Dễ dàng đóng vị thế bất cứ lúc nào bằng cách tham gia vị thế ngược với hợp đồng tương đương. |
Bù trừ và ký quỹ |
Không cần thực hiện ký quỹ. |
Yêu cầu thực hiện ký quỹ để đảm bảo khả năng thanh toán. Nhà đầu tư sẽ được gọi ký quỹ nếu cần bổ sung. |
Dựa trên bảng so sánh ở trên, có thể thấy hợp đồng tương lai có nhiều ưu điểm nổi bật, khắc phục những hạn chế của hợp đồng kỳ hạn. Cũng vì lý do đó mà đây là sản phẩm phái sinh đầu tiên được lựa chọn để phát hành tại thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam.
4. Nhà đầu tư nên chọn loại hợp đồng nào?
Việc lựa chọn loại hợp đồng phù hợp sẽ phụ thuộc vào mục đích và nhu cầu của nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư có mục tiêu là bảo vệ giá hoặc đầu cơ ngắn hạn, hợp đồng kỳ hạn có thể là lựa chọn tốt. Bên cạnh đó, lợi thế lớn nhất của hợp đồng này là có thể tùy chỉnh theo thỏa thuận giữa các bên và ký kết với bất kỳ tài sản nào.
Trong khi đó, hợp đồng tương lai thích hợp để lướt sóng, dành cho nhà đầu tư có nhiều thời gian để theo dõi thị trường. Chỉ với một khoản ký quỹ nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị hợp đồng, nhà đầu tư có thể thu lại một khoản lợi nhuận khủng. Ngoài ra, đây cũng là giải pháp hữu hiệu để quản lý rủi ro giá biến động mạnh. Nhà đầu tư có thể lựa chọn cách bán hợp đồng tương lai để hạn chế thua lỗ nếu thị trường giảm sâu.

5. Kết luận
Hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai là hai công cụ phái sinh quan trọng trong lĩnh vực giao dịch tài chính. Mỗi loại hợp đồng mang lại những lợi ích và đặc điểm riêng. Hy vọng qua bài viết này, nhà đầu tư đã có thể lựa chọn được sản phẩm phù hợp với mục tiêu đầu tư của mình. Để xem thêm nhiều thông tin hữu ích về chứng khoán, đừng quên theo dõi những bài viết bổ ích tiếp theo nhé!