Mới đây, sàn Forex Tradeska đã bị nhiều đơn vị báo chí gọi tên vì sự việc “đánh thắng nhưng không rút được tiền”. Qua đó cho thấy gia tăng của loại hoạt động Forex hiện nay vẫn có nhiều người dân sập bẫy. Vì vậy, người dân cần phải cảnh giác khi tham gia vào các sàn giao dịch trên.
Kinh doanh, hoạt động Forex là vi phạm pháp luật ?
Theo lãnh đạo Phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cho biết, tại Việt Nam hiện nay có một số sàn kinh doanh ngoại hối của nước ngoài hoạt động. Phương thức hoạt động của các sàn Forex là cho các nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội Zalo, Facebook, tư vấn người chơi “đánh lệnh”.

Với mục tiêu mở rộng thị trường, các sàn này tuyển mộ, thu hút một số cá nhân người Việt Nam để làm nhân viên IB (Introducing Broker) nhằm quảng bá dịch vụ và làm dòng tiền. Các IB có trách nhiệm hướng dẫn khách hàng mở tài khoản tại sàn, hướng dẫn kiến thức cơ bản về kinh doanh forex, hướng dẫn, hỗ trợ nạp, rút tiền… Các cá nhân môi giới có thể hoạt động độc lập hoặc xây dựng công ty bình phong cho hoạt động kinh doanh Forex. Thứ hai là các cá nhân người Việt Nam tổ chức thành lập sàn Forex. Cụ thể, một số đối tượng thành lập công ty tại Việt Nam (hoạt động theo Luật doanh nghiệp…) để phục vụ làm bình phong cho hoạt động kinh doanh sàn Forex. Các đối tượng tuyển mộ môi giới, thuê địa điểm hoạt động, quảng bá là sàn giao dịch ngoại hối quốc tế, đã được cấp phép, nhưng trên thực tế là hoạt động vi phạm pháp luật.
Mới đây, báo Luật sư Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phản ánh bài viết liên quan đến sàn Tradeska. Cụ thể, các đối tượng IB của sàn Tradeska đã mời chào khách hàng tham gia đầu tư. Sau khi nhà đầu tư tham giao dịch, thì sàn này lại viện cớ nhiều lý do để người chơi không rút được tiền. Những nhân viên làm môi giới tại văn phòng đại diện Tradeska tại Hồ Chí Minh sẽ không có lương cố định, mà chỉ nhận phần trăm hoa hồng trên khối lượng mà khách hàng giao dịch. Để nhiều nạn nhân sập bẫy Forex, các đối tượng IB tại đây đã tạo nhiều nick ảo và dùng nhiều chiêu trò để “giăng bẫy” các nạn nhân.

Được biết, quản lý văn phòng đại diện Hồ Chí Minh của sàn Tradeska là Nguyễn Thị Đương và người đại diện chính thức tại Việt Nam có tên Lê Thị Kim Anh. Cả hai đối tượng trên tuy độ tuổi còn trẻ, nhưng đã sở hữu nhiều khối tài sản mà khiến nhiều người mơ ước. Sau khi bị báo Luật sư Việt Nam “phanh phui” địa chỉ văn phòng và thông tin tên tuổi, các đối tượng cầm đầu nhanh chóng cho toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà và di chuyển địa điểm văn phòng mới. Qua đó cho thấy mức độ tinh vi của loại hình Forex hiện nay luôn tìm mọi cách để tránh né pháp luật Việt Nam.
Cảnh báo!
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết về vấn đề trên, căn cứ vào Điều 7 của Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2022 của Quốc hội quy định: Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn; tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề địa bàn… Như vậy, có nghĩa là các doanh nghiệp nước ngoài có quyền đăng ký hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng quy định một số loại hình kinh doanh nước ngoài có quyền đăng ký hoạt động kinh doanh và được cấp phép.

Về hành lang pháp lý, sàn Tradeska không được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam. Bên cạnh đó, người môi giới và người điều hành sàn Tradeska là đang vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Liên quan đến đơn tố cáo các cá nhân liên quan đến sàn Tradeska, phòng đã giao cho các đơn vị có liên quan sẽ tiến hành điều tra – Lãnh đạo cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cho biết thêm.

Có cầu phải ắt có cung, thị trường tài chính Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều kênh đầu tư mới xuất hiện thỏa mãn đủ mọi mong muốn đầu tư của tất cả mọi người: quỹ mở, chứng khoán, thậm chí nhiều người đã tìm đến các kênh đầu tư nước ngoài như chứng khoán quốc tế, Forex, Bitcoin…
Theo Chuyên gia đầu tư tài chính cá nhân Lâm Minh Chánh – tác giả của cuốn sách “Đầu tư tài chính cá nhân dành cho người Việt” (bán được khoảng 30.000 bản trong năm 2020), các nhà đầu tư nghiệp dư không nên đụng đến Forex, bởi thực tế có tới 95% người đầu tư vào kênh này đã thua cuộc.Theo nguyên lý đầu tư thông thường, các kênh đầu tư có rủi ro cao sẽ nhận về lợi nhuận kỳ vọng lớn. Tuy nhiên trên thực tế, việc đầu tư cần dành thời gian và công sức để nghiên cứu, đánh giá thận trọng, không phải chỉ dựa vào may rủi.
Trao đổi về vấn đề những IB và quản lý sàn Tradeska tại Việt Nam có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Cty Luật SBLaw cho biết, Forex (Foreign Exchange) hay ngoại hối là thị trường mua và bán tiền tệ của các quốc gia khác nhau.
Theo Điều 36 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối như sau: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác.

Như vậy, để được kinh doanh ngoại hối cần phải đáp ứng đồng thời các điều kiện như sau: Chủ thể kinh doanh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức khác; được chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Do đó, việc cá nhân Việt Nam đầu tư ngoại hối tại các sàn Forex là trái với các quy định pháp luật Việt Nam.
