Có thể nói trong thị trường kinh tế thế giới nói chung và lĩnh vực Forex nói riêng, cổ phiếu cùng sự biến động giá cổ phiếu luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới đầu tư. Không chỉ vì đây là một trong những sản phẩm giao dịch phổ biến nhất thế giới, mà sự lên xuống giá cổ phiếu còn phản ánh tình hình kinh doanh, sức mạnh tài chính của một công ty. Nhằm giúp cho các nhà đầu tư có được những góc nhìn tổng quan, chính xác và đa dạng về thị trường, hôm nay chúng tôi sẽ phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
- LẠM PHÁT (CPI)
Đây thường là yếu tố đầu tiên được nhắc đến khi phân tích sự biến động giá cổ phiếu. CPI Ià chỉ số phản ánh sự thay đổi của giá hàng tiêu dùng theo thời gian. CPI sẽ đo lường sự thay đổi của mức giá mà người tiêu dùng trả cho một đơn vị hàng hóa. Sở dĩ như vậy vì biến động về giá của hàng hóa theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát của nền kinh tế, phản ánh tỷ trọng giữa cung và cầu của thị trường. Nói một cách trực quan, dễ hiểu thì khi chỉ số lạm phát tăng, đồng nghĩa với giá trị của đồng tiền sẽ suy giảm theo tỷ lệ nghịch, từ đó chứng minh sự không bền vững của một nền kinh tế. Lúc này lãi suất sẽ tăng lên để kiềm chế lạm phát dẫn đến sự tăng trưởng của các doanh nghiệp bị kìm hãm, thậm chí suy giảm do biên độ lợi nhuận thu được giảm theo giá của đồng tiền. Từ đó giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó sẽ giảm theo. Qua đó ta có thể thấy giá trị các khoản đầu tư chứng khoán luôn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi diễn biến của lạm phát và đây là một trong những rủi ro cơ bản trong đầu tư chứng khoán.
Nói ngắn gọn chỉ số lạm phát (CPI) có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với giá cổ phiếu. CPI tăng thì giá cổ phiếu giảm và ngược lại.
- LÃI SUẤT
Đây là yếu tố quan trọng không kém để phân tích sự biến động giá cổ phiếu. Lãi suất hay còn gọi là tiền lãi là số tiền mà bên vay sẽ trả cho việc sử dụng tiền từ bên cho vay. Lãi suất sẽ tác động đến giá cổ phiếu theo mô hình sau: Khi lãi suất tăng sẽ làm tổng chi phí của khoản vay đối với doanh nghiệp tăng theo. Từ đó sẽ hạ thấp lợi nhuận mà doanh nghiệp dùng để thanh toán cổ tức, hay nói cách khác chính các cổ đông sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc này. Do đó cổ phiếu của doanh nghiệp này sẽ tỏ ra kém hấp dẫn, có sức cạnh tranh thấp trên thị trường từ đó giá sẽ giảm. Hơn nữa khi lãi suất tăng sẽ khiến doanh nghiệp muốn giữ lại số tiền nhàn rỗi thay vì mạo hiểm mang đi đầu tư để mở rộng sản xuất. Từ đó tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp đó.
Như vậy cũng giống như chỉ số lạm phát, lãi suất có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với giá cổ phiếu. Lãi suất tăng sẽ làm giá cổ phiếu giảm và ngược lại.
- TỶ GIÁ:
Tỷ giá là khái niệm dùng để chỉ sự chênh lệch về giá trị của hai đồng tiền được trao đổi. Đây cũng là yếu tố tác động đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp, đặc biệt đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, vì đặc trưng của ngành này là phải liên tục trao đổi từ đồng tiền này sang đồng tiền khác. Trường hợp doanh nghiệp đi vay thì biến động tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến chi phí vay của doanh nghiệp từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận (ví dụ : ban đầu doanh nghiệp vay theo đô la và biến động thị trường khiến đồng đô la mất giá hơn đồng Việt Nam thì doanh nghiệp có thể giảm được chi phí vay, từ đó khiến giá cổ phiếu tăng lên).
2. TĂNG TRƯỞNG GDP
Yếu tố này thoạt nghe có vẻ vĩ mô, xa vời nhưng thật ra có mối liên quan mật thiết đến sự tăng giảm của giá cổ phiếu. Trong kinh tế học, chỉ số GDP (Gross domestic product) – dịch ra tiếng Việt là chỉ số tổng sản phẩm nội địa là giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ, quốc gia trong một thời kỳ nhất định.
Chỉ số GDP tăng chứng tỏ quốc gia đó đang có một nền kinh tế phát triển ổn định. Chính phủ đã giải quyết được vấn đề công ăn việc làm cho người dân, từ đó thu nhập của xã hội được cải thiện, tác động tích cực đến việc củng cố an ninh quốc phòng, đảm bảo cho uy tín và vai trò của Chính phủ quốc gia đó. Đó sẽ là những yếu tố được các nhà đầu tư nhìn vào, nghiên cứu rất kỹ trước khi quyết định đầu tư vào thị trường. Nếu thị trường phát triển tốt thì nhà đầu tư sẽ tự tin hơn trong việc bỏ tiền vào các loại cổ phiếu trên thị trường. Đây là yếu tố có quan hệ tỷ lệ thuận với giá cổ phiếu.
3. NHỮNG PHÂN TÍCH, DỰ BÁO TỪ CHUYÊN GIA
Khi một chuyên gia hàng đầu, uy tín trên thị trường đưa ra những phân tích, dự báo về tình hình kinh tế sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của nhà đầu tư. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua và bán cổ phiếu trên thị trường, kéo theo sự lên xuống của giá cổ phiếu.
4. TÂM LÝ CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
Liên quan mật thiết đến ý trên. Do các nhà đầu tư là nhân tố tối quan trọng của nền kinh tế, thực hiện trực tiếp việc mua bán cổ phiếu nên tâm lý của họ cũng là một yếu tố tác động đến giá cổ phiếu. Có rất nhiều yếu tố (khách quan lẫn chủ quan) sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư như niềm tin mà nhà đầu tư đặt vào tương lai của một doanh nghiệp cùng với cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Cùng một loại cổ phiếu, có nhà đầu tư sẽ cho rằng doanh nghiệp này hoạt động trì trệ, có nguy cơ phá sản; giá cổ phiếu này không tốt cần bán đi tránh rủi ro. Tuy nhiên, những nhà giao dịch khác lại mua vào bởi họ tin vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của công ty đó. Ngoài ra, trên thị trường chứng khoán thường xuất hiện những thông tin gây nhiễu không chính xác, gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhà đầu tư. Điều này lý giải tại sao trên thị trường chứng khoán lúc nào cũng có người mua, người bán, từ đó tác động mạnh mẽ đến sự lên xuống của giá cổ phiếu. Đây là yếu tố có quan hệ tỷ lệ thuận với giá cổ phiếu.
5. GIAO DỊCH CỦA NGƯỜI NỘI BỘ
Giao dịch của người nội bộ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư về triển vọng tương lai của doanh nghiệp, nếu nội bộ công ty mua nhiều cổ phiếu cho thấy nội bộ có sự tin tưởng, kỳ vọng tích cực về tiềm năng phát triển của công ty, làm cho nhà đầu tư lạc quan hơn mua nhiều hơn làm giá cổ phiếu tăng và ngược lại. Đây là yếu tố có mối quan hệ tỷ lệ thuận với giá cổ phiếu.
6. GIAO DỊCH CỦA CÁC TỔ CHỨC DOANH NGHIỆP
Giao dịch của các tổ chức chuyên nghiệp sẽ tác động rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư về triển vọng của doanh nghiệp, từ đó tác động đến mua và bán cổ phiếu, làm giá cổ phiếu tăng hay giảm.
7. DOANH THU CỦA CÔNG TY:
Doanh thu của công ty là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của công ty. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp rất quan tâm đến kết quả kinh doanh của một công ty để định giá cổ phiếu. Một công ty làm ăn tốt, lợi nhuận sau thuế cao, mức tăng trưởng ổn định và trả cổ tức thường xuyên cho các cổ đông, thì giá cổ phiếu chắc chắn sẽ tăng bởi các nhà đầu tư sẽ tin tưởng để rót vốn vào công ty này với hi vọng kiếm được nhiều lợi nhuận. Ngược lại, nếu kết quả kinh doanh “ tụt dốc” thì giá cổ phiếu sẽ giảm do doanh nghiệp đó không dành được lòng tin từ nhà đầu tư.
Trên đây là những yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu mà chúng tôi đã tổng hợp và phân tích. Hy vọng qua bài viết sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm kinh nghiệm, kiến thức để làm nền tảng cho những chiến lược giao dịch sáng suốt, mang lại lợi nhuận cao trong tương lai.