Giao dịch theo Phân kỳ là một cách đặc biệt hiệu quả khi giao dịch Forex. Lý do là sự hình thành phân kỳ đóng vai trò như một tín hiệu báo sớm. Thông thường, mô hình phân kỳ sẽ hình thành trước biến động thực tế. Theo đó, trader có thể dự đoán và mở position ngay tại bước đầu của biến động giá. Ở bài viết này, FXS sẽ giới thiệu tới các bạn một số chỉ báo thông dụng trong việc tìm kiếm tín hiệu phân kỳ, cũng như phương án ra vào lệnh và quản lý rủi ro khi giao dịch theo phân kỳ.
1. Các chỉ báo thông dụng
1.1. MACD – Trung bình động Hội tụ – Phân kỳ
MACD là chỉ báo dựa trên trung bình động, tín hiệu được đưa ra khi xảy ra giao cắt. Do đó, về cơ bản chỉ báo này có tính chất báo muộn. Tuy nhiên, tính chất báo muộn của MACD chỉ liên quan đến tín hiệu chính yếu của nó – tín hiệu giao cắt. Chỉ báo này cũng có hai tính năng báo sớm.
Thứ nhất là khả năng phát hiện tình trạng nở rộng của thị trường khi các đường tiếp cận vùng quá mua hoặc quá bán.
Thứ hai là vai trò của MACD trong giao dịch theo phân kỳ. Khi đỉnh/đáy đường MACD đang ngược hướng với đỉnh/đáy của giá, chúng ta có phân kỳ. Mặc dù nhìn chung MACD là một chỉ báo trễ, song tín hiệu phân kỳ mà nó đưa ra lại được xem là có tính báo sớm. Bởi vậy, chúng ta có thể vào thị trường sớm dựa trên phân kỳ MACD, sau đó xác nhận tín hiệu với sự giao cắt MACD chẳng hạn.
Hình ảnh dưới đây sẽ cho bạn thấy cách phân kỳ MACD hoạt động:

Đây là biểu đồ khung 1D của cặp tỷ giá có tính thanh khoản cao nhất – EUR/USD. Phía dưới biểu đồ là chỉ báo MACD, được sử dụng để phát hiện phân kỳ. Các đường màu xanh dương mô tả sự phân kỳ đó.
Bạn có thể nhận thấy rằng cặp EUR/USD tạo các đáy thấp hơn (LL). Tại cùng thời điểm, đường MACD tạo đáy cao hơn (HL). Điều này tạo ra một phân kỳ dương giữa giá và chỉ báo MACD. Tình thế này cung cấp một cơ hội tuyệt vời cho một vị thế mua. Như bạn thấy, giá EUR/USD bắt đầu tăng ngay sau khi xác nhận phân kỳ dương.
Xem thêm bài viết về các dạng phân kỳ MACD và phương pháp tránh FOMO vào lệnh quá sớm khi gặp tín hiệu phân kỳ.
1.2. RSI – Chỉ số Sức mạnh Tương đối
RSI là một chỉ báo tốt khác để xây dựng một hệ thống phân kỳ thành công. Chức năng chính yếu của chỉ báo này là phát hiện vùng quá mua và quá bán.
Chỉ báo RSI là một đường di chuyển giữa vùng quá mua và quá bán. Do đó, RSI có tính chất báo sớm và là một công cụ tốt để phát hiện phân kỳ trên biểu đồ.
Hình ảnh dưới đây sẽ chỉ cho bạn cách giao dịch theo phân kỳ với chỉ báo RSI:

Đây là biểu đồ khung 4H của GBP/USD. Bên dưới biểu đồ là chỉ báo RSI. Biểu đồ cho thấy các đáy thấp hơn (LL), trong khi RSI thể hiện các đáy cao hơn (HL). Tức là chúng ta có một phân kỳ dương được xác nhận trên biểu đồ, mở ra cơ hội cho một vị thế mua.
1.3. Chỉ báo Xung lượng & dải Bollinger
Hãy cùng thảo luận một cách giao dịch nữa dựa vào chỉ báo Xung lượng và dải Bollinger, rất phù hợp cho việc giao dịch theo phân kỳ. Chúng ta sẽ sử dụng chỉ báo Xung lượng để phát hiện phân kỳ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ chỉ vào lệnh khi mức giá phá vỡ đường MA (trung bình động) của dải Bollinger, và dải đang mở rộng ra tại cùng thời điểm đó. Nhờ đó, tín hiệu sẽ được xác nhận và chúng ta sẽ vào lệnh chỉ khi nào thị trường biến động mạnh. Chúng ta sẽ chốt lệnh khi giá cắt đường MA của dải Bollinger theo hướng ngược lại.

Đây là biểu đồ khung 1D của cặp USD/CAD. Bên dưới biểu đồ giá là chỉ báo Xung lượng. Trên biểu đồ, bạn thấy dải Bollinger màu xanh lá bao phủ.
Sau một đoạn tăng giá, chỉ báo Xung lượng bắt đầu ghi nhận các đỉnh thấp hơn trong khi giá đang tạo các đỉnh cao hơn, hình thành một phân kỳ âm. Sau đó, chúng ta thấy một nến lớn màu đỏ phá vỡ đường MA nằm giữa dải. Tại cùng thời điểm, dải Bollinger bắt đầu nở rộng, báo hiệu biến động mạnh hơn. Sau đó, chúng ta thấy giá sụt giảm khoảng 8% trong vòng ba tuần tiếp theo. Giao dịch bán trong trường hợp này có thể được chốt khi giá cắt đường MA của dải Bollinger theo hướng từ dưới đi lên.
Điểm đặt stop loss chính xác trong trường hợp này nên nằm trên đỉnh cuối cùng của hành động giá trước khi giá cắt đường MA của dải Bollinger. Như bạn thấy, rủi ro là rất nhỏ so với tổng lợi nhuận thu được từ giao dịch này.
2. Quản lý vốn
Chúng ta vừa thảo luận một số dạng phân kỳ và chỉ báo tin cậy. Giờ chúng ta đã biết cách phát hiện phân kỳ và vào thị trường dựa trên phân kỳ. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu giao dịch, có một số điểm chúng ta cần thảo luận thêm, ví dụ như cách quản lý vốn. Nếu bạn không có một kế hoạch quản lý vốn hoàn chỉnh, bạn sẽ rất dễ bị mất tiền khi giao dịch theo phân kỳ hay bất cứ tín hiệu nào khác.
2.1. Cắt lỗ
Bất kể bạn sử dụng phương pháp giao dịch gì, bạn nên luôn luôn sử dụng lệnh cắt lỗ cho mỗi giao dịch. Giao dịch theo phân kỳ cũng không ngoại lệ. Đối với hầu hết trader, cách tốt nhất là đặt một mức cắt lỗ cố định thay vì đặt theo cảm tính. Bạn có thể đặt mức cắt lỗ ngay trên đỉnh cuối cùng trên biểu đồ, nơi xác nhận phân kỳ âm. Nếu là phân kỳ dương, chúng ta sẽ dựa vào các đáy, và lệnh cắt lỗ nên được đặt bên dưới đáy cuối cùng trên biểu đồ.
Hình ảnh dưới đây sẽ giúp bạn hình dung về điểm đặt mức cắt lỗ khi giao dịch theo phân kỳ:

Đây là biểu đồ khung 1H của cặp USD/CHF, cho thấy một phân kỳ dương giữa chỉ báo Stochastic và giá. Điều này mở ra cơ hội vào thị trường với lệnh mua tại mức 0.9242. Điểm đặt mức cắt lỗ ở bên dưới đáy đảo chiều, ngay dưới đáy cuối cùng của mô hình phân kỳ. Sau khi phân kỳ dương được xác nhận, giá USD/CHF bắt đầu tăng.
2.2. Chốt lời
Bạn nên luôn đặt ra một nguyên tắc nghiêm ngặt cho chốt lời khi giao dịch theo phân kỳ. Ngoài những mặt tích cực, một trong những điều giao dịch theo phân kỳ không đưa ra cho chúng ta, đó là các mục tiêu rõ ràng. Bởi vậy, một công cụ bổ trợ nên được dùng để lựa chọn mục tiêu lợi nhuận cho bạn. Thông thường, nếu bạn sử dụng RSI hay Stochastic, có thể bạn sẽ cần thêm một chỉ báo nữa để chốt lệnh. Tuy nhiên, nếu bạn dùng MACD, bạn có thể hoàn toàn tin tưởng vào chỉ mình nó, bởi lẽ MACD là một loại chỉ báo trễ và nó là một công cụ độc lập rất tốt để vào và thoát khỏi thị trường. Phương pháp ưa thích của FXS đó là sử dụng phân tích đảo chiều và ngưỡng hỗ trợ kháng cự để quản lý lệnh và mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, MACD cũng là một lựa chọn tốt.
3. Một chiến lược hoàn chỉnh sử dụng MACD
Chúng ta đã có tất cả các công cụ cần thiết để lên kế hoạch giao dịch theo phân kỳ. Giờ hãy cùng kết hợp tất cả các nguyên tắc và xem nó sẽ thế nào. Chúng ta sẽ sử dụng chỉ báo MACD để phát hiện phân kỳ và chốt giao dịch. Khi thấy xuất hiện phân kỳ, chúng ta sẽ vào lệnh. Khi thấy giao cắt MACD theo hướng ngược lại, chúng ta sẽ chốt giao dịch.

Đây vẫn là biểu đồ EUR/USD khung 1D chúng ta sử dụng ở đầu bài viết. Tuy nhiên, lần này , chúng ta thêm vào toàn bộ chiến lược giao dịch.
Trước tiên, chúng ta phát hiện một phân kỳ dương giữa đường MACD và giá. Đồ thị cho thấy các đáy thấp hơn (LL), trong khi các đáy của đường MACD đang cao lên. Bất ngờ, sau khi tạo đáy cao hơn thứ ba, các đường MACD tạo một cú giao cắt từ dưới lên. Chúng ta có thể sử dụng tín hiệu này để vào lệnh mua tại điểm mà mũi tên xanh lá nằm ngang chỉ ra. Điểm đặt mức cắt lỗ sẽ nằm ngay dưới đáy liền trước như trên hình.
Giá bắt đầu tăng. Đường MACD cũng bắt đầu tăng. Hai tháng sau, MACD đưa ra tín hiệu giao cắt từ trên xuống. Chúng ta sử dụng điểm này như một tín hiệu ra và chốt giao dịch.
4. Một số lưu ý
Do phân kỳ chỉ mang tính dự báo chứ không phải tín hiệu mua/bán nên khi xuất hiện phân kỳ, trader cần chờ xác nhận. Thông thường, phân kỳ ở Stochastic, RSI, MACD histogram dự báo đảo chiều ngắn hạn, còn phân kỳ ở đường MACD dự báo đảo chiều dài hạn hơn.
Chúng ta có thể sử dụng phân kỳ với đường MACD hoặc với MACD histogram. Phân kỳ ở MACD histogram là một chỉ báo mạnh dùng trong phân tích kỹ thuật. Nhiều khi histogram đã xuất hiện tín hiệu phân kỳ trong khi đó MACD lại không thấy hoặc chưa thấy. Phân kỳ ở MACD histogram cũng giống phân kỳ đường MACD về hướng so với đường giá.
Theo FTG