Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Thỏa thuận Brexit bị từ chối lần 2

Share

Trước đó, thỏa thuận Brexit của bà May – Thủ tướng Anh đã bị bác bỏ lần đầu ngày 15/1/2019, nhưng bà vẫn hy vọng sự sửa đổi thỏa thuận vào phút chót, nhất là về vấn đề biên giới Ailen, sẽ góp phần thuyết phục các Thành viên Quốc hội thay đổi ý định của họ.

Rạng sáng nay, cuộc bỏ phiếu thỏa thuận Brexit lần 2 đã được diễn ra, nhưng nó đã bị bác bỏ một lần nữa, với cách biệt tới 149 phiếu, sau khi 242 thành viên bỏ phiếu ủng hộ và có tới 319 thành viên phản đối thỏa thuận.

Phát biểu sau kết quả bỏ phiếu, bà May cho biết bà cảm thấy nuối tiếc vì quyết định của Hạ viện Anh: “Tôi vẫn tin, cho tới thời điểm này, kết quả tốt nhất là Anh rời khỏi EU một cách có trật tự với một thỏa thuận, và thỏa thuận mà chúng tôi đã cất công thương lượng là thỏa thuận tốt nhất và cũng là thỏa thuận duy nhất”, bà nói với các nhà làm luật.

Còn 16 ngày nữa để Anh rời xa EU, những gì có thể xảy ra tiếp theo? Có 6 kịch bản cho nước Anh lựa chọn thời điểm này.

  1. Đàm phán lại các thỏa thuận Brexit
    Đây là điều mà các nghị sĩ Anh mong đợi bởi họ cần một số nhượng bộ từ các nước còn lại của EU để tránh phải thiết lập một đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland (một hợp phần của Vương quốc Anh) bởi Cộng hòa Ireland và một số nhượng bộ khác về thuế quan, về xuất nhập khẩu lao động, về tự do thương mại. Nhưng cả Chủ tịch Hội đồng châu Âu – Donald Tursk tuyến bố sẽ không có chuyện đàm phán lại. Điều đó có nghĩa là EU sẽ không có thêm bất kỳ một nhượng bộ nào nữa.
  2. Tổng tuyển cử trước thời hạn
    Đây cũng là một kịch bản tồi tệ đối với nước Anh bởi bất kỳ chính phủ mới nào lên cầm quyền ở nước Anh cũng phải giải quyết vấn đề Brexit. Chính phủ của đảng Bảo thủ Anh vốn ủng hộ việc Anh ở lại EU đã tìm mọi cách để đám phán sao cho nước Anh ít chịu thiệt hại nhất khi rời khỏi EU. Nhận thức được điều này, các nghị sĩ Anh đã tiếp tục tín nhiệm để chính phủ của bà May có thêm cơ hội đàm phán với EU hoặc đưa ra một phương án khác. Còn EU thì tuyên bố thẳng thừng rằng việc nước Anh thay đổi lãnh đạo sẽ không khiến Brussels thay đổi lập trường về Brexit.
  3. Tái trưng cầu dân ý về Brexit
    Một phong trào hiện đang nổi lên ở Anh nhằm vận động tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần nữa về Brexit. Những người ủng hộ việc này cho rằng bây giờ mới là lúc người Anh thực sự biết mình đang muốn gì. Nhưng những người phản đối ý tưởng này thì cho rằng một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai sẽ là sự phớt lờ và xúc phạm quy trình dân chủ của cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên. Kết quả của ý tưởng này các cuộc tuần hành của hai phe phản đối và ủng hộ Brexit nổ ra khắp nước Anh và cả hai phe đều mặc “áo vàng”.
  4. Lùi thời hạn Brexit
    Đây cũng là một khả năng được đảng Bảo thủ Anh và những người không ủng hộ Brexit lựa chọn. Nhưng nếu điều này diễn ra thì Anh sẽ phải đàm phán lại với EU để có một thỏa thuận Brexit khác. Trong trường hợp như vậy, thời hạn Brexit cần phải được đẩy lùi để hai bên có thời gian đàm phán. Điều này đồng nghĩa với việc Điều 50 Hiệp ước EU phải được điều chỉnh trong khi Thủ tướng Anh Teresa May đã kích hoạt điều khoản này vào tháng 3-2017, khởi động quãng thời gian đếm ngược kéo dài 2 năm để Anh ra khỏi khối vào ngày 29-3-2019. Để hoãn Brexit, thời hạn quy định thực hiện Điều 50 của thỏa thuận Brexit phải kéo dài hơn và sự điều chỉnh đó phải được sự thông qua của 27 thành viên EU. Ngày 24-2-2019, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EU) Donald Tusk để ngỏ khả năng có thể chấp nhận một đề nghị như vậy nhưng không nói rõ có thể cho phép gia hạn đến khi nào.
    Đây là một dấu hiệu cho thấy cả Anh và EU sẽ muốn một cuộc “ly hôn” có “phân chia tài sản”. Tuy nhiên, người Mỹ chỉ muốn một cuộc “ly thân” chứ không phải là “ly hôn” của Anh với EU bởi 2 lý do. Một là “ly hôn” Anh-EU sẽ làm suy yếu EU. Khi đó, Mỹ sẽ mất đi một “quân bài” quan trọng bậc nhất để kiềm chế Nga ở Châu Âu. Hai là giới tài phiệt Mỹ có lợi ích chiến lược ở thị trường chứng khoán London sẽ mất một thị trường đầu tư quan trọng bậc nhất thế giới của họ trong khi các giới dầu tư Nga và Trung Quốc đang chờ cơ hội Brexit để xâm nhập vào EU.
  5. Hủy Brexit
    Về lý thuyết, điều này vẫn có thể thực hiện được nếu Quốc hội Anh lấy danh nghĩa đại diện hợp pháp của dân chúng Anh để thông qua một đạo luật hủy bỏ kết quả trưng cầu dân ý ngày 23-6-2016 và Brexit sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, hành động này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị Anh, gây những bất ổn chính trị còn lớn hơn nữa ở Anh.
  6. Brexit không có thỏa thuận
    Nếu như đến ngày 29-3-2019 mà giữa Anh và EU không đạt được một thỏa thuận thì Anh sẽ tự động ra khỏi EU. Đây là kịch bản “Brexit cứng” và được cho tồi tệ nhất, đưa đến sự hỗn loạn của nước Anh với những thiệt hại nặng nề về kinh tế. Trong một báo cáo vào cuối 2018, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã cảnh báo rằng Brexit không thỏa thuận có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng lên mức 7,5%, giá nhà sụt 30%, đồng Bảng rớt giá sâu, và nền kinh tế Anh sẽ giảm quy mô khoảng 8% trong vòng 1 năm.

Trong khi dư luận thế giới bàn tán và dự báo xem Brexit sẽ diễn ra theo kịch bản nào thì giới tư bản tài chính Mỹ ở “Phố Wall” vẫn điềm nhiên ngồi chờ Brexit sẽ diễn ra. Bởi cho dù Brexit diễn ra theo bất cứ cách nào (trừ kịch bản “Brexit bị hủy”) thì giới tư bản tài phiệt Mỹ vẫn có lợi khi khai thác những bất lợi từ chính các đồng minh của Mỹ. Và cao hơn cả là địa vị của đồng Dollar được bảo toàn. Điều đó lý giải sự điềm tĩnh của Thị trường chứng khoán New York trước tiến trình Brexit trong khi thị trường tài chính London và các thị trường chứng khoán khác ở Châu Âu đều có những biến động gần như không kiểm soát được.

Theo Tâm Minh Nguyễn

Xem thêm

Liên quan