Trong phiên giao dịch ngày 13/11, giá vàng thế giới tăng do đồng USD giảm giá. Trong khi các nhà đầu tư hướng sự chú ý tới số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ công bố trong tuần này. Số liệu này có thể làm sáng tỏ lập trường lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Khoảng 3 giờ 30 phút sáng 14/11 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.945,25 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,6% lên 1.950,20 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm 0,2%, giúp vàng hấp dẫn hơn đối với những người mua nắm giữ đồng tiền khác.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, CPI lõi của Mỹ dự kiến sẽ tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng 10/2023, và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà giao dịch cũng sẽ theo dõi sát sao số liệu về chỉ số giá sản xuất của Mỹ, công bố ngày 15/11.
Chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính RJO Futures Bob Haberkorn cho biết nếu báo cáo cho thấy lạm phát cao hơn dự kiến, vàng có thể sẽ giảm trở lại vì điều đó làm tăng khả năng về có một đợt tăng lãi suất khác. Tuy nhiên, nếu số liệu phù hợp, vàng sẽ giao dịch ở mức giá 1.950 USD/ounce.
Lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời như vàng.
Theo công cụ CME FedWatch, thị trường đang đoán định 86% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 12/2023.
Giá vàng đã giảm 3% trong tuần trước do cuộc xung đột ở Trung Đông dịu xuống khiến nhu cầu về tài sàn an toàn giảm bớt, trong khi Chủ tịch Fed Jerome Powell lại đưa ra quan điểm “cứng rắn” về chính sách lãi suất.
Các quan chức Fed, bao gồm cả ông Powell, nói rằng họ vẫn không chắc chắn lãi suất có đủ cao để kết thúc cuộc chiến chống lạm phát hay không đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và chỉ số US Dollar Index tăng cao, từ đó khiến vàng không sinh lãi kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Theo nhà phân tích thị trường Fawad Razaqzada của City Index, quan điểm diều hâu của ông Powell là nguyên nhân chính khiến giá vàng suy yếu trong tuần trước. Bên cạnh đó, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư được cải thiện trong vài tuần qua khi cuộc xung đột Israel-Hamas không có nhiều tiến triển cũng làm giảm lực cầu trên thị trường vàng.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam tại OANDA cho biết, lực cầu trú ẩn an toàn do lo ngại liên quan đến xung đột Israel-Hamas “vẫn chưa giảm bớt hoàn toàn… và có thể dễ dàng quay trở lại ở bất kỳ giai đoạn nào”. Chuyên gia này cho rằng, một khi lực cầu trú ẩn giảm dần, thị trường sẽ quan tâm nhiều hơn đến dữ liệu kinh tế.